Phiên điều trần của quý vị sẽ không trang trọng bằng phiên điều trần tại tòa án, nhưng trang trọng hơn cuộc họp không chính thức và buổi hòa giải.
Phiên điều trần được ghi âm (tiếng) và không ghi hình. Bản ghi âm ghi lại những điều mọi người nói.[1]§ 4712(k). Thẩm Phán Luật Hành Chính (Administrative Law Judge, ALJ) hoặc Chuyên Viên Đặc Trách Điều Trần từ Văn Phòng Điều Trần Hành Chính (Office of Administrative Hearings, OAH) chịu trách nhiệm về phiên điều trần. ALJ thu thập thông tin, xem xét tài liệu và lắng nghe các nhân chứng trả lời những câu hỏi của quý vị và trung tâm khu vực. Nhân chứng thề rằng họ làm chứng trung thực, đây được gọi là “tuyên thệ”.
Tại phiên điều trần, quý vị có quyền:
- Đưa ra bằng chứng ở dạng văn bản và lời nói.
- Gọi nhân chứng cho phía quý vị. Có hai loại nhân chứng. “Nhân chứng đời thường” là người biết các dữ kiện trợ giúp cho vụ việc của quý vị. “Nhân chứng có chuyên môn”, chẳng hạn như bác sĩ và chuyên gia tâm lý, đưa ra ý kiến nhờ sử dụng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của họ.
- Có người bênh vực, luật sư hoặc người đại diện khác trong phiên điều trần. Họ có thể trình bày vụ việc của quý vị hoặc giúp quý vị chuẩn bị cho vụ việc đó.
- Yêu cầu thông dịch viên từ OAH nếu quý vị hoặc nhân chứng của quý vị không biết tiếng Anh.[2]§§ 4712(h); 4701(f).
Trong phiên điều trần, ALJ phải khuyến khích trao đổi thông tin một cách tự do và cởi mở, đồng thời tạo sự công bằng và không khí thân mật cho phiên điều trần. Chuyên viên đặc trách điều trần phải giúp quý vị chỉ ra những dữ kiện liên quan đến vụ việc của quý vị. Đây được gọi là “tham gia trung lập”. Để giúp chỉ ra các dữ kiện, chuyên viên đặc trách điều trần có thể làm những việc sau:
- Đặt câu hỏi cho nhân chứng,
- Gọi bất kỳ nhân chứng nào ra làm chứng tại phiên điều trần và
- Cho thêm thời gian để có bất kỳ nhân chứng nào ra làm chứng hoặc cung cấp các tài liệu khác vào cuối phiên điều trần.