Menu Close

(5.15) Làm sao để tôi có thể trở thành người thương lượng giỏi hơn?

(5.15) Làm sao để tôi có thể trở thành người thương lượng giỏi hơn?

Thương lượng là quá trình hai bên cùng cố gắng đạt được sự nhất trí về điều mà cả hai bên đều muốn. Thông thường, quý vị phải trò chuyện, đưa ra đề nghị và linh hoạt khi thương lượng. Cuộc họp của quý vị với trung tâm khu vực hoặc các cơ quan khác bao gồm việc thương lượng. Cuộc họp IPP và cuộc họp kém chính thức hơn có thể là một cuộc thương lượng.

Tuy nhiên, đôi khi có những sự bất đồng không thể giải quyết bằng cách thương lượng. Nếu chuyện đó xảy ra, quý vị có thể có phiên điều trần chính thức hoặc sử dụng quy trình khiếu nại của cơ quan.

Làm theo các bước sau để giúp quý vị chuẩn bị cho cuộc thương lượng:

Bước 1: Viết một đoạn văn về vấn đề. Đoạn văn của quý vị phải:

  • Mô tả vấn đề
  • Nêu rõ nguyên nhân gây ra vấn đề
  • Nêu rõ những thay đổi quý vị cần có để giải quyết vấn đề

Tự ghi nhớ điều quý vị sẽ chấp nhận là giải pháp. Điều quý vị sẽ chấp nhận là mức cuối cùng – điểm quý vị sẽ không thỏa hiệp thêm. Không nói ra kết quả cuối cùng của quý vị trước khi cuộc thương lượng bắt đầu. Giữ lại điều đó cho đến khi quá trình thương lượng lâm vào bế tắc và trung tâm khu vực không có vẻ sẽ thực hiện những thay đổi mà quý vị muốn. Nếu trung tâm khu vực không cung cấp giải pháp ở mức cuối cùng của quý vị, quý vị có thể phải kháng cáo quyết định của trung tâm khu vực lên một phiên điều trần công bằng.

Quan trọng! Không cung cấp ghi chú của quý vị cho trung tâm khu vực hoặc cơ quan. Đây là những ghi chú của quý vị để giúp quý vị thương lượng.

Bước 2: Xác định quý vị cần thương lượng với ai. Tìm người có thẩm quyền liên quan gần nhất đến vấn đề. Ví dụ: nếu vấn đề là bất đồng với điều phối viên dịch vụ của quý vị về nhu cầu nhận một dịch vụ, quý vị có thể thương lượng với họ. Nếu trung tâm khu vực từ chối một dịch vụ vì chính sách của họ, quý vị cần thương lượng với người có nhiều thẩm quyền hơn, ví dụ như người quản lý. Quý vị không thể thương lượng với người không có thẩm quyền đồng ý. Yêu cầu được nói chuyện với người có thẩm quyền cung cấp dịch vụ quý vị cần. Đạo Luật Lanterman trao cho quý vị quyền được gặp và thương lượng với người của trung tâm khu vực có quyền giải quyết tình huống của quý vị.[1]Mục 4646(d) và (g).

Bước 3: Xem xét những điểm mạnh và điểm yếu về vị trí của quý vị và của trung tâm khu vực hoặc trường hợp của cơ quan khác. Để xác định quý vị có đang ở vị trí có lợi thế không, hãy suy xét:

  • Luật có quy định gì về dịch vụ hoặc tình huống khác mà quý vị đang thương lượng với trung tâm khu vực.
  • Mọi người nhất trí về tất cả những dự kiện nào?
  • Với những dữ kiện quý vị và trung tâm khu vực không nhất trí, quý vị có thể chứng minh suy nghĩ của mình là đúng không?
  • Có các tình huống khác, trong đó trung tâm khu vực đã cung cấp các dịch vụ tương tự cho những điều quý vị đang yêu cầu được nhận, để giải quyết vấn đề tương tự không?

Quý vị có thể tăng lợi thế cho trường hợp của mình bằng cách:

  • Yêu cầu chuyên gia thẩm định về quý vị và tình huống của quý vị;
  • Đề nghị khách hàng khác của trung tâm khu vực và thành viên gia đình biết tình huống của quý vị đến hỗ trợ quý vị theo yêu cầu của quý vị;
  • Trao đổi với quan chức dân cử của địa phương hoặc tiểu bang về tình huống của quý vị hoặc liên hệ với truyền thông về trường hợp của quý vị nếu trung tâm khu vực không hành động hợp lý.

Bước 4: Lập hai danh sách: Một danh sách có các lý do mà trung tâm khu vực (hoặc một cơ quan khác) nói cho quý vị về lý do họ không đồng ý với quý vị. Danh sách còn lại có các lý do họ có thể đưa ra cho việc không đồng ý với quý vị, nhưng chưa nói hoặc viết ra. Đây là những lý do trung tâm khu vực hoặc cơ quan khác có thể không đồng ý với quý vị:

  • Họ không đồng ý là quý vị cần dịch vụ.
  • Họ không tin là quý vị có quyền nhận dịch vụ theo luật.
  • Họ không hiểu điều quý vị cần.
  • Họ không tin họ có thể đi ngược lại một chính sách hiện có để mua dịch vụ.
  • Họ tin rằng dịch vụ quý vị đang yêu cầu có thể gây hại cho quý vị.

Trung tâm khu vực có thể có các lý do cho việc không đồng ý mà họ không nói hoặc viết ra ở bất cứ đâu. Đó là:

  • Họ sợ trách nhiệm pháp lý. Điều này có nghĩa họ sợ chuyện xấu sẽ xảy ra với quý vị và quý vị sẽ kiện họ.
  • Họ e ngại việc đặt ra tiền lệ. Trung tâm khu vực e ngại rằng nếu họ cung cấp cho quý vị dịch vụ này, tất cả những người khác cũng sẽ muốn dịch vụ đó.
  • Họ không coi trọng yêu cầu của quý vị.
  • Họ có những cách làm quen thuộc, cũng như luôn sử dụng cùng các quy trình và cung cấp cùng các dịch vụ với cùng số tiền. Họ không muốn thay đổi cách họ vẫn luôn thực hiện mọi chuyện cho tất cả mọi người họ phục vụ.
  • Họ nghĩ dịch vụ đó sẽ tốn quá nhiều tiền.

Bước 5: Lên kế hoạch và bám sát! Viết ra một kế hoạch cho biết quý vị sẽ làm thế nào để trung tâm khu vực đồng ý với điều quý vị muốn. Tập trung vào những lý do của trung tâm khu vực cho việc không đồng ý với quý vị. Bao gồm những lý do họ chưa đề cập đến, nhưng quý vị cho rằng có thể là nguyên nhân trung tâm khu vực từ chối yêu cầu của quý vị. Nếu quý vị có thể cung cấp cho họ điều họ muốn hoặc lo lắng, mà vẫn nhận được điều quý vị muốn, quý vị có cơ hội thành công cao.

Để lập kế hoạch, quý vị hãy:

  • Nghiên cứu các dữ kiện.
  • Xác định mức cuối cùng của quý vị.
  • Xác định những điểm thỏa hiệp quý vị không sẵn lòng đưa ra (những điểm không thể thương lượng).
  • Xác định những điểm thỏa hiệp quý vị sẵn lòng đưa ra, nhưng hãy giữ kín những điểm này lâu nhất có thể.
  • Đặt ra ngày, giờ và địa điểm thương lượng.
  • Lập đề cương và quy tắc thương lượng.
  • Đề ra thời hạn để đi đến thỏa thuận. Nếu quý vị không thể thỏa thuận theo thời hạn, quý vị có thể cần đến phiên điều trần.

Quý vị có thể yêu cầu ai đó giúp quý vị thương lượng, hoặc quý vị có thể đưa theo một chuyên gia đến hỗ trợ lập trường của quý vị. Quý vị có thể yêu cầu người có nhiều thẩm quyền hơn từ trung tâm khu vực đến cuộc thương lượng nếu quý vị e ngại những người phù hợp sẽ không tham dự.

Phụ Lục M có bảng công việc có thể giúp quý vị chuẩn bị cho cuộc thương lượng.

References
1 Mục 4646(d) và (g).