Menu Close

(11.25) Miễn Trừ DD bao trả cho những dịch vụ nào?

(11.25) Miễn Trừ DD bao trả cho những dịch vụ nào?

Miễn Trừ DD bao trả cho nhiều dịch vụ, bao gồm: [1]Miễn Trừ DD, Ngày 1 tháng 1 năm 2018, Phụ Lục C, các trang 60-206. Lưu ý rằng một số dịch vụ miễn trừ chỉ dành cho người nhận từ 21 tuổi trở lên. Đó là … Continue reading

  1. Quản Lý Trường Hợp: Dịch vụ quản lý trường hợp được cung cấp thông qua phúc lợi Quản Lý Trường Hợp Mục Tiêu có trong Chương Trình Tiểu Bang Medicaid của California. [2]Miễn Trừ DD, Ngày 1 tháng 1 năm 2018, Mục C-1, trang 196.
  2. Giúp Việc Gia Đình: Chuẩn bị bữa ăn và chăm sóc cho gia đình định kỳ, khi người thường chịu trách nhiệm tạm thời vắng mặt hoặc không thể quản lý nhà cửa và chăm sóc cho bản thân hoặc người khác trong nhà.
  3. Dịch Vụ Hỗ Trợ Sức Khoẻ Tại Nhà: Thông qua cơ quan dịch vụ sức khỏe tại nhà.
  4. Chăm Sóc Tạm Thời: Chăm sóc phi y tế và giám sát tạm thời được cung cấp trong và ngoài nhà. Chăm sóc nhu cầu cơ bản hàng ngày của khách hàng khi gia đình của họ đi vắng trong thời gian ngắn hoặc để giảm bớt yêu cầu chăm sóc liên tục đối với thành viên gia đình.
  5. Hỗ Trợ Phát Triển: Các dịch vụ trợ giúp mọi người tiếp thu, duy trì và nâng cao các kỹ năng tự lập, giao lưu xã hội và thích ứng cần thiết để sống trong môi trường tại nhà và cộng đồng. Các Dịch Vụ Hỗ Trợ Phát Triển Bao Gồm:
    • Dịch Vụ Can Thiệp Hành Vi: Bao gồm các chương trình can thiệp hành vi chuyên sâu, theo dõi hành vi và phân tích. Được cung cấp trong nhiều môi trường như nhà hoặc nơi làm việc của khách hàng. Ngoài ra còn có Hỗ Trợ Cho Trường Hợp Khủng Hoảng.
    • Dịch Vụ Sắp Xếp Đời Sống Tại Cộng Đồng:
      • Môi Trường Có Giấy Phép hoặc Được Chứng Nhận, như nhà tập thể, bao gồm Nhà Hỗ Trợ Hành Vi Tăng Cường
      • Dịch Vụ Hỗ Trợ Đời Sống, là các dịch vụ hỗ trợ xã hội, kỹ năng thích ứng, tài chính và các hỗ trợ khác cho khách hàng sống ở căn nhà mà họ sở hữu hoặc thuê và không được cấp phép.
    • Dịch Vụ Ban Ngày
      • Dịch Vụ Ban Ngày Tại Cộng Đồng: Hỗ trợ phát triển trong 4 giờ trở lên/ngày, 1 ngày trở lên/tuần, trong môi trường không phải nội trú.
      • Dịch Vụ Ban Ngày Dựa Trên Hoạt Động/Trị Liệu: Hỗ trợ phát triển thông qua các hoạt động thể chất và trị liệu được thiết kế để trợ giúp về hành vi có vấn đề, bày tỏ nhu cầu và cảm xúc, tăng cường phát triển vận động và giao tiếp, tăng giao lưu xã hội và nhận thức cộng đồng cũng như cung cấp kinh nghiệm.
      • Dịch Vụ Ban Ngày Liên Quan Đến Việc Di Chuyển: Dạy cách sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện đi lại khác.
  6. Dịch Vụ Tiền Hướng Nghiệp: Phát triển và giảng dạy các kỹ năng chung giúp làm việc cạnh tranh và hòa nhập.
  7. Dịch Vụ Việc Làm Được Hỗ Trợ: Việc làm có trả lương hòa nhập trong cộng đồng. Bao gồm hướng dẫn công việc 1:1 và các dịch vụ việc làm được hỗ trợ khác, sẽ giảm cho đến khi không còn cần thiết, được cung cấp tại nơi làm việc hoặc ở nơi khác.
  8. Dịch Vụ Nha Khoa: Từ các nha sĩ và nhân viên vệ sinh nha khoa được cấp phép.
  9. Liệu Pháp Nghề Nghiệp
  10. Vật Lý Trị Liệu
  11. Dịch Vụ Nhãn Khoa/Chuyên Gia Nhãn Khoa
  12. Mắt kính và gọng kính theo toa
  13. Dịch Vụ Tâm Lý: Đánh giá, điều trị, phòng ngừa và cải thiện các rối loạn cảm xúc và sức khỏe tâm thần.
  14. Dịch Vụ Lời Nói, Thính Lực và Ngôn Ngữ: Bệnh học lời nói, dịch vụ thính giác và máy trợ thính.
  15. Dịch Vụ Quản Lý Tài Chính (Financial Management Services, FMS): Thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ hoặc xử lý tiền lương cho nhân viên của khách hàng người lớn hoặc của gia đình họ, được bao gồm trong IPP. FMS chỉ áp dụng cho những dịch vụ tự chủ sau đây: chăm sóc tạm thời, đi lại, dịch vụ đào tạo tại cộng đồng và điều dưỡng chuyên môn.
  16. Dịch Vụ Giúp Việc: Các dịch vụ cần thiết để duy trì nhà cửa luôn sạch sẽ, vệ sinh và an toàn. Bao gồm các việc nặng trong gia đình và sửa chữa đơn giản như những việc có thể được người tháo vát thực hiện.
  17. Trợ Giúp Giao Tiếp: Các dịch vụ nhân sinh cần thiết để giúp người khiếm thính, bị khiếm khuyết lời nói hoặc khiếm thị giao tiếp hiệu quả với các nhà cung cấp dịch vụ, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và công chúng. Bao gồm người hỗ trợ, thông dịch viên và biên dịch viên, tùy thuộc vào IPP.
  18. Dịch Vụ Đào Tạo Tại Cộng Đồng: Dịch vụ do người tham gia chỉ dẫn, cho phép người nhận tùy chỉnh các dịch vụ ban ngày để đáp ứng nhu cầu của họ. Vì được xác định bởi quy trình IPP tập trung vào con người, dịch vụ này có thể bao gồm trợ giúp để:
    • Phát triển hoặc duy trì việc làm và các hoạt động tình nguyện,
    • Theo học chương trình giáo dục sau trung học, và
    • Tăng cường các khả năng để sống cuộc sống hòa nhập và toàn diện.
  19. Điều Chỉnh Khả Năng Thích Nghi Với Môi Trường: Điều chỉnh về cơ sở vật chất trong nhà. Ví dụ: Đường dốc, thanh vịn, mở rộng ngưỡng cửa, điều chỉnh phòng tắm và lắp đặt các hệ thống điện và đường ống cần thiết cho thiết bị và vật tư y tế. Những điều chỉnh tăng tổng diện tích ngôi nhà không được bao gồm trong phúc lợi này. Những điều chỉnh có thể được cung cấp tối đa 180 ngày trước khi ra khỏi cơ sở.
  20. Dịch Vụ Hỗ Trợ Gia Đình: Định kỳ chăm sóc và giám sát trẻ em, trong khoảng thời gian dưới 24 giờ/ngày, trong khi cha mẹ/người chăm sóc chính không được trả lương vắng nhà. Được cung cấp tại hoặc ngoài nhà. 
  21. Đào Tạo Gia Đình/Khách Hàng: Đào tạo từ các nhà cung cấp được cấp phép để đạt kết quả điều trị tốt hơn. Bao gồm hỗ trợ hoặc tư vấn cho khách hàng và gia đình để đảm bảo họ hiểu các dịch vụ điều trị được cung cấp và những hỗ trợ cần thiết tại nhà nhằm nâng cao dịch vụ điều trị.
  22. Dịch Vụ Sử Dụng Gia Cư: Bao gồm hai phần:
    • Dịch Vụ Chuyển Tiếp Nhà Ở Cá Nhân – Bao gồm tìm nhà ở khách hàng muốn, phát triển kế hoạch, tìm kiếm và đăng ký nhà ở, xác định cách thanh toán cho chi phí chuyển nhà, hướng dẫn cách thỏa thuận với chủ nhà và lập kế hoạch cho trường hợp/khi có nguy cơ mất nhà ở.
    • Dịch Vụ Nhà Ở Cá Nhân & Duy Trì Thuê Nhà – Các dịch vụ giúp duy trì nhà ở sau khi đã tìm được. Dạy cách phòng ngừa vấn đề, trách nhiệm, giải quyết tranh chấp và quản lý sinh hoạt gia đình.
  23. Vận Chuyển Phi Y Tế: Dịch vụ được cung cấp để giúp mọi người có thể tiếp cận chương trình miễn trừ và các dịch vụ, hoạt động và nguồn lực khác trong cộng đồng, được nêu trong IPP. Dịch vụ đưa đón riêng, chuyên dụng sẽ được cung cấp cho những người không thể tiếp cận và sử dụng an toàn phương tiện giao thông công cộng. Mọi người cũng có thể nhận dịch vụ vận chuyển y tế theo luật liên bang và Chương Trình Tiểu Bang.
  24. Tư Vấn Dinh Dưỡng: Lập kế hoạch để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và chế độ ăn uống đặc biệt.
  25. Các Hệ Thống Phản Ứng Khẩn Cấp Cá Nhân (Personal Emergency Response Systems, PERS): Ví dụ: máy nhắn tin, vòng tay cảnh báo y tế, dây cứu sinh và bình cứu hỏa.
  26. Điều Dưỡng Chuyên Môn: Các dịch vụ từ y tá được cấp phép.
  27. Thiết Bị và Vật Tư Y Tế Chuyên Khoa: Các thiết bị, dụng cụ kiểm soát hoặc đồ dùng giúp mọi người tăng khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày hoặc để nhận thức, điều khiển hay giao tiếp với môi trường. Còn bao gồm các vật dụng cần thiết để hỗ trợ sự sống hoặc giải quyết tình trạng thể chất cùng với thiết bị cần thiết để sử dụng đúng cách những vật dụng đó, thiết bị y tế lâu bền và không bền khác cùng vật tư y tế thiết yếu.
  28. Các Chi Phí Chuyển Tiếp/Thiết Lập: Các chi phí thiết lập một lần, không định kỳ cho nhu cầu sức khỏe và an toàn khi chuyển tiếp từ cơ sở về nhà riêng của quý vị. Bao gồm tiền đặt cọc, chi phí chuyển nhà, khoản thanh toán cho dọn dẹp một lần trước khi chuyển vào, đồ nội thất, vật dụng gia đình, đồ dùng giải trí mong muốn như TV và cáp, và chỗ ăn ở. Các vật dụng đã mua là tài sản của người nhận dịch vụ, họ mang theo tài sản nếu chuyển nhà. Có thể nhận chi phí tối đa 180 ngày trước khi ra khỏi cơ sở.
  29. Sửa Đổi và Điều Chỉnh Xe: Thay tay nắm cửa, mở rộng cửa, thiết bị nâng, thiết bị giữ chặt xe lăn, thiết bị chỗ ngồi được điều chỉnh, hệ thống lái được điều chỉnh, thiết bị gia tốc, báo hiệu và phanh cùng tay vịn và thanh vịn.Kèm theo là dịch vụ sửa chữa, bảo trì, lắp đặt và đào tạo về chăm sóc và sử dụng các vật dụng này. Không bao gồm việc mua chính chiếc xe. Xe phải thuộc sở hữu của người nhận hoặc thành viên gia đình (định nghĩa rộng).
  30. Dịch Vụ Miễn Trừ Mới:
    • Có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2020, một sửa đổi Miễn Trừ đã bổ sung Nhà Cho Trường Hợp Khủng Hoảng Trong Cộng Đồng do Tiểu Bang điều hành, Nhà Hỗ Trợ Hành Vi Tăng Cường và Nhóm Can Thiệp Khủng Hoảng Linh Động thành các dịch vụ miễn trừ mới. Xem Chương 8 để biết thêm về các dịch vụ này.
    • Có hiệu lực từ ngày 19 tháng 1 năm 2021, một sửa đổi Miễn Trừ đã bổ sung Dịch Vụ Chuyển Tiếp Chuyên Sâu (Intensive Transition Services, ITS) thành dịch vụ mới. ITS dành cho những người có nhu cầu sức khỏe hành vi phức tạp và đã chuyển tiếp sang một lựa chọn đời sống tại cộng đồng. Nhân viên sẵn sàng phục vụ 24 giờ/ngày kể cả cuối tuần, ngày lễ và thời gian khủng hoảng. ITS bao gồm kiểm soát cơn giận, giáo dục về sức khỏe và chế độ ăn uống, giáo dục giới tính/bồi dưỡng mối quan hệ lành mạnh, đào tạo và quản lý hành vi, trị liệu, điều trị kết hợp các rối loạn đồng thời và lập kế hoạch chuyển tiếp.

References
1 Miễn Trừ DD, Ngày 1 tháng 1 năm 2018, Phụ Lục C, các trang 60-206. Lưu ý rằng một số dịch vụ miễn trừ chỉ dành cho người nhận từ 21 tuổi trở lên. Đó là vì Chương Trình Tiểu Bang Medi-Cal (Medi-Cal không miễn trừ) bao trả cho những dịch vụ này theo phúc lợi EPSDT cho người dưới 21 tuổi.
2 Miễn Trừ DD, Ngày 1 tháng 1 năm 2018, Mục C-1, trang 196.